Sau các sản phẩm điện thoại thông minh, TV thông minh,… sắp tới có lẽ
sẽ là sự phát triển rầm rộ của các loại bóng đèn thông minh với khả năng
kết nối Internet. Hướng đi này đã và đang thu hút không ít nhà phát
minh và ông lớn trong ngành.
Các loại bóng đèn thông minh sẽ có khả năng kết nối với 1 mạng cục bộ. Người dùng có thể điều khiển độ sáng tối hoặc thậm chí màu sắc của những chiếc đèn này thông qua smartphone, máy tính cá nhân hay tablet. Thêm vào đó, họ có thể cài đặt chương trình tiết kiệm điện năng, tự động tắt hệ thống đèn vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Các thiết bị này còn giúp đề phòng kẻ trộm nhờ việc tự động bật, tắt khi chủ nhân không có nhà.
Các loại bóng đèn LED này cũng giúp tiết kiệm đáng kể chi phí cho người dùng. Nếu như toàn bộ các loại bóng đèn 60W đang được sử dụng ở Mỹ hiện nay được thay thế bằng loại bóng đèn LED 10W thì mỗi năm nước này sẽ tiết kiệm được khoảng 3.9 tỉ đô (hơn 80 nghìn tỉ đồng) trên hóa đơn tiền điện.
Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn cản trở ngành công nghiệp này. Thứ nhất là về giá cả. Chiếc bóng đèn thông minh của LIFX được bán với giá 69$, của Greenwave là 20$ và dòng sản phẩm của Philips có giá 59$. Đó là những cái giá quá cao so với các loại bóng compact hiện có trên thị trường, thường không quá 10$. Tuy nhiên, cái giá ấy vẫn rẻ hơn nhiều so với việc lắp đặt một hệ thống điều khiển đèn chiếu sáng trong nhà, nhiều khi lên tới hàng ngàn đô la. Thêm vào đó, việc giá thành ban đầu cao cũng sẽ được đền bù bằng hiệu quả tiết kiệm điện hàng tháng. CEO của Switch Lighting - Gary Roenfield cho rằng rất nhiều người tiêu dùng thông minh sẽ sẵn sàng mua loại sản phẩm này để tiết kiệm điện, cho dù hiệu quả của nó không thể nhìn thấy ngay tức thì.
Thứ hai chính là vấn đề kĩ thuật. Việc kiểm soát nhiệt độ là điều không dễ dàng khi thiết kế các loại bóng đèn này. Giải pháp của Switch Lighting là đổ đầy những chiếc bóng đèn bằng silicone lỏng, có tác dụng giống như lớp sáp bên trong bóng đèn lava. Insteon thì đã thử nghiệm thiết kế nhôm gấp. Memo cho biết việc kiểm soát nhiệt là vấn đề khó khăn nhất hãng này gặp phải. Khả năng kiểm soát nhiệt sẽ liên quan trực tiếp tới hiệu quả tiết kiệm điện của các thiết bị này. Việc thiết kế cho các loại bóng đèn khả năng nhận tín hiệu Wifi hay Bluetooth cũng vô cùng khó khăn. Hãng Memo cho biết: “Chúng tôi cần phải đặt chip Wi-fi vào một thiết bị kim loại. Tuy nhiên chất liệu kim loại lại cản sóng radio nên các kĩ sư của chúng tôi phải tìm cách giải quyết vấn đề này”.
Các sản phẩm thông minh luôn là điều con người mong muốn hướng đến. Vậy nên, việc những sản phẩm bóng đèn thông minh trở nên phổ biến cũng chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn. Với nỗ lực cải tiến và thu hút thị trường của các nhà sản xuất hiện nay, chúng ta có thể hi vọng là sẽ thấy được sự phát triển của công nghệ này trong tương lai không xa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét